Thứ Sáu, tháng 2 3

Quan điểm của nhà báo ngoại quốc về vụ “đất đai Tiến Lãng” ở VN: chính phủ đang muốn “ngọn lửa nguội tàn dần”

Cả gia đình ông Vươn phải đón Tết trong căn lều bạt. Photo courtesy: Vnexpress

Chiều thứ sáu 27/1 một phóng viên tên Ben Bland của báo Financial Times có nhận định về vụ “Tiến Lãng” vốn đang là trung tâm chú ý của cả nước VN.
Đầu tiên Bland nhận định “vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn dùng súng và chất nổ đánh trả hơn 100 công an và viên chức địa phương đến cưỡng chế đất đai nhà ông là việc “xưa nay hiếm ở VN”


Tranh chấp đất đai là chuyện thường hay xảy ra hôm nay ở VN, theo ký giả Bland, vì luật chủ quyền không rõ ràng, nhưng “vụ ông Vươn bất bình thường ở chỗ lần đầu tiên một nông dân dám dùng vũ khí đứng dậy”
Sau đó trong nhiều tuần lễ số người có cảm tình và ủng hộ ông Vươn ngày càng lan rộng ở VN, vì ngay cả một cựu Chủ Tịch nước của VN cũng lên tiếng bênh vực ông Vươn và kết án các cấp lãnh đạo đã làm sai.
Theo Bland, vấn đề đất đai hiện nay ở VN bị cột vào vấn đề viên chức tham nhũng. Tuy VN đã có cải cách từ 20 năm qua, con người có thể mua bán đủ thứ, nhưng đất đai là chuyện khác vì không rõ ràng gì cả và nhiều người dân VN chú ý vụ này vì “hầu như ai cũng có bà con dính vô chuyện tranh chấp đất đai”
Chính phủ VN không công khai cho biết tầm mức quan trọng của các tranh chấp như thế, nhưng có thể đã có quan ngại từ cấp cao vì ông Thủ Tướng VN đã ra lệnh điều tra “vụ Tiến Lãng”
Một dấu hiệu nữa, theo ông Bland, là các ký giả ngoại quốc không được phép tự do đi điều tra riêng ở Tiến Lãng, dù họ rất muốn làm như thế, nhằm có “cái nhìn tại chỗ quân bình hơn”
Theo ông Bland thì “chính phủ VN đang mong muốn vụ này nhanh chóng nguội tàn, nhất là chính phủ địa phương ở Hải Phòng. Tốt nhất là chỉ nên có báo cáo mọi việc trong vài tháng nữa, khi vấn đề đã êm dịu hơn hiện nay”



CÔNG LÝ


Công lý

Dân Làm Báo - “Ở Việt Nam, Công Lý chỉ là tên của một diễn viên hài” - đó là câu đùa chua chát của nhiều người, khi chứng kiến nhiều vụ việc bất công xảy ra hàng ngày trong xã hội. 

Người ta mất niềm tin vào sự đảm bảo công bằng trong xã hội đến nỗi không tin vào sự hiện diện của công lý. Tất cả chỉ còn một tóm gọn trong một câu ngắn ngủi dành cho hệ thống pháp lý của đất nước này: "Luật là tao, tao là luật".

Chứng kiến cảnh ba người phụ nữ mòn mỏi trên con đường đi tìm công lý cho người thân của mình bị chết oan tại đồn công an là bạn Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Thị Thanh Tuyền, và mẹ của anh Nguyễn Công Nhựt, có nhiều ý kiến thương cảm, ngưỡng mộ, chia sẻ... và cũng có nhiều ý kiến cho rằng: “Đừng hy vọng hão huyền, đứng phí công vô ích, sẽ chẳng bao giờ có công lý cho những trường hợp như thế”. 

Thật nguy hiểm bởi nếu ai cũng để những suy nghĩ tiêu cực như thế tác động đến tư tưởng của mình, thì liệu có chăng những nỗ lực tìm kiếm công lý, thầm lặng nhưng quyết liệt như ba người phụ nữ kia đã làm? 

Trịnh Kim Tiến, một cô gái tuổi mới đôi mươi, cái tuổi mà nhiều bạn bè cùng trang lứa khác vẫn đang mơ mộng, nhìn đời bằng qua một góc nhìn thật trong trẻo và vô tư, thì Tiến đã phải đối mặt với biến cố tang thương ập đến, trở thành trụ cột, là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình, trong nỗ lực đi tìm lại công bằng cho người cha thân yêu của mình là bác Trịnh Xuân Tùng, người đã chết vì bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gẫy cổ. 

Nguyễn Thị Thanh Tuyền, một người vợ trẻ, với những dự định đẹp biết bao cho tương lai, cũng phải nuốt nước mắt, giấu nỗi đau mất chồng vào trong lòng, miệt mài nỗ lực tìm kiếm sự công bằng cho anh Nguyễn Công Nhựt, người bị chết oan tại đồn công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. 

Những bước chân của họ trên đường phố Hà Nội cho hành trình tìm công lý chính là một thái độ xác quyết: không chấp nhận bất công. Họ chính là hơi thở của công lý dù đang thoi thóp. 


Nếu cách đây nửa thế kỷ, khi những người da đen Hoa Kỳ đang bên bờ tuyệt vọng giữa những bất công của kỳ thị chủng tộc, Martin Luther King, Jr. đã tuyên bố "Tiến bộ của con người không phải tự nhiên mà có, cũng không phải đương nhiên sẽ tới. Mỗi bước tiến tới mục tiêu của công lý đòi hỏi hy sinh, đau khổ, tranh đấu, nỗ lực không mệt mỏi và sự dấn thân thiết tha của những con người hết lòng cống hiến" thì ngày hôm nay, tại Việt Nam, người con gái tuổi mới ngoài đôi mươi Trịnh Kim Tiến cũng đã tha thiết rằng "Trước hết sống phải có niềm tin. Nhưng tin vào sự thật một niềm tin tuyệt đối để đòi lại công bằng. Và để đạt được điều đó thì không chỉ đặt niềm tin suông vào những người có trách nhiệm. Mà tôi phải tranh đấu để có. Công lý tự nó cũng không phải là một điều được ban phát. Phải tìm thì mới hy vọng có. Và phải có niềm tin thì mới có ý chí để đi tìm." 

*
Công lý thường được đo lường bằng hiệu quả của hệ thống pháp lý, kết quả công bằng của một phiên tòa. Chính vì vậy mà Thần công lý là biểu tượng của pháp luật và ngược lại tinh thần thượng tôn pháp luật là con đường dẫn đến công lý. Nếu pháp luật được thực thi theo nguyên tắc vô tư, không thiên vị, công bằng và tuyệt đối, thì công lý xuất hiện. 

Vô tư là không ưu tiên cho ai, không nhượng bộ cho thế lực nào và không chèn ép ai. Công bằng là xét xử đúng theo hành động người ta đã làm, không thêm bớt, không vu cáo và không dồn ai vào đường cùng. 

Tuy nhiên, trên đất nước chúng ta hiện nay, tòa án hoàn toàn nằm trong tay của đảng. Thần công lý của CHXHCNVN không cầm cán cân mà cầm búa và lưỡi liềm. Vì thế, nhìn vào tòa án và hệ thống pháp lý của đảng - không phải của nhân dân, người ta nói: công lý đã chết!. 

Tuy nhiên, vượt ra khỏi ao tù của một tòa án búa và liềm, nơi công lý nằm trong tay những kẻ chức quyền với hình hài méo mó, còn có một phiên tòa khác: đó là phiên tòa của dư luận và lương tâm. Đó cũng là điều mà cách đây gần 100 năm, Mohandas Gandhi đã tin như vậy: "Có một tòa án cao hơn, đó là tòa án của lương tâm. Nó vượt qua tất cả các tòa án khác". 

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người tuy không đồng tình với cách “gài bẫy” cảnh sát giao thông của phóng viên Hoàng Khương, cũng như việc gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng mới đây đã chống trả quyết liệt với lực lượng công an cưỡng chế, vẫn bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ sự can đảm và dấn thân của anh Khương, và chia sẻ với những mất mát cùng phản ứng bộc phát trong tuyệt vọng của cả gia đình ông Vươn. 

Chính dư luận đang mở ra một phiên tòa công lý ngoài đời. Và khi người ta đã quá tuyệt vọng vào sự thiếu vắng công lý của tòa án và nền pháp lý CHXHCNVN, khi có những nỗ lực chống trả lại bất công, áp bức, dù ở hình thức nào, đều nhận được sự chia sẻ và khuyến khích của nhiều người. 

Từ những phiên tòa dư luận, công lý của tòa án lương tâm sẽ tạo áp lực và từng bước phục hồi công lý của hệ thống tòa án. Do đó, với tình hình xã hội hiện tại, mọi nỗ lực tìm kiếm và tranh đấu cho công lý có thể chưa đạt đến mục tiêu sau cùng nhưng ít nhất trước mắt, những nỗ lực đáng quý ấy đã giúp cho nền công lý đang thoi thóp có thể tiếp tục sống còn để chúng ta có hy vọng vực dậy nó sau này.

*

Albert Einstein đã nói: "Trong phạm vi của sự thật và công lý, không có sự khác biệt giữa chuyện lớn và nhỏ, bởi vì các vấn đề liên quan đến việc đối xử với người dân đều phải như nhau". Công lý dành cho một công dân bình thường như ông Trịnh Xuân Tùng không thể là một chuyện nhỏ hay khác biệt so với bất kỳ ai. 

Đồng tình hay phản đối, đó là thái độ và sự lựa chọn của mỗi cá nhân khi đứng trước mỗi tình huống. Chỉ có sự im lặng trước những gì đang diễn ra trước mắt, mới là đáng sợ. Bởi im lặng một hình thức đồng cảm với tội ác, là chấp nhận quay lưng để tội ác nghênh ngang tiếp diễn. 

Xin hãy lên tiếng nói vì bất công không biết kỳ thị và phân biệt bạn là ai.

Thứ Năm, tháng 2 2

Bị ép đưa 18 triệu để được phóng viên báo Lao động viết bài


      
 
PN - Câu chuyện về chị Phạm Thị Lành, người phụ nữ nghèo bán vé dạo ở Bến Lức (Long An) sẵn sàng đưa 12 tờ vé số trúng thưởng 5,4 tỷ đồng cho khách, dù đó chỉ là “mua thiếu qua điện thoại”, được không ít người xem như “chuyện cổ tích” thời hiện đại. Thế nhưng khi tìm về cù lao Long Khánh, ấp Long Hữu (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), nơi chôn nhau, cắt rốn của chị Lành, chúng tôi bất ngờ hơn với câu chuyện khác và đoạn kết không có hậu đang ám ảnh người phụ nữ giàu lòng nhân ái này.


Chị Lành luôn vui vẻ, tốt bụng
NGƯỜI BÁN VÉ SỐ HIẾM CÓ
Tết năm nay 29 tuổi, nhưng chị Phạm Thị Lành đã có trên 10 năm với nghề bán vé số. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị đã cùng chồng rời quê Đồng Tháp lên Long An, tạm trú tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Cũng như nhiều người bán vé số khác, mỗi cuối ngày là chị Lành chạy vắt giò lên cổ để bán hết vé số. Khoảng 16g ngày 15/11/2011, do còn 22 tờ vé số (tỉnh Bến Tre) bị ế nên chị gọi điện thoại cho mối quen là anh Đỗ Ngọc Tuấn, 41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (hành nghề chạy xe ba gác) mua giùm. Qua điện thoại, anh Tuấn đồng ý mua 20 tờ, gồm ba dãy số khác nhau. Kết quả xổ số, hai tờ vé số còn lại của chị đã trúng giải đặc biệt (ba tỷ đồng), riêng 20 tờ của anh Tuấn có ba tờ trúng giải đặc biệt, chín tờ trúng giải khuyến khích.
Bất chấp lời xúi giục của nhiều đồng nghiệp, chị Lành vẫn giữ nguyên ý định đưa cho anh Tuấn toàn bộ 12 tờ vé số trúng thưởng trị giá lên đến 5,4 tỷ đồng với lý do: “Rất nhiều lần anh Tuấn mua qua điện thoại và dù không trúng nhưng vẫn trả tiền sòng phẳng. Vì thế, nay vé số bán cho anh Tuấn đã trúng thì phải đưa cho anh Tuấn hưởng”. Ngay sau khi lãnh tiền trúng thưởng, việc làm đầu tiên của chị Lành là trở về quê mua đất, cất nhà cho đại gia đình gồm cha mẹ già đang cưu mang sáu đứa cháu nội mồ côi (con người anh thứ ba qua đời, anh thứ tư bị tâm thần, vợ bỏ đi). Sau khi cất căn nhà trị giá 500 triệu đồng, tặng cho sáu anh chị em mỗi người 100 triệu đồng làm vốn, chị Lành đã mua 2,5 tấn gạo tặng bà con trong xóm ăn Tết.





Chị Lành với bài viết "đắt tiền" trên tạp chí HTV

MỘT BÀI BÁO GIÁ 18 TRIỆU ĐỒNG
Chúng tôi vượt hàng trăm cây số về cồn Long Khánh với ý định “xông đất” nhà mới của Lành. Vừa đến nơi, chúng tôi đã đối mặt với bầu không khí lạnh lùng và cái nhìn đầy nghi ngại của gia đình chị Lành và cả hàng chục người dân trong xóm. Không gặp được trực tiếp, liên lạc qua điện thoại, chị Lành bảo đang bận việc phải đi gấp và hẹn gặp nhau vào buổi sáng mai. Thế là chúng tôi lại vượt sông Tiền quay về Hồng Ngự tìm phòng nghỉ qua đêm. Đúng hẹn, chúng tôi trở lại và tiếp tục nhận lấy những cái nhìn ghẻ lạnh. Một lát sau, bà Phạm Thị Thèm (mẹ chị Lành) từ trong nhà bước ra dò hỏi tiếp: “Mấy người tìm con Lành có chuyện gì không…? Viết báo cái gì mà thêm bớt quá chừng, lại mắc quá, chỉ có bài nửa trang mà ăn tới chín triệu đồng. Con tôi đi bán vé số chứ có phải người mẫu đâu!”. Sau một hồi trút giận, bà Thèm đưa chúng tôi xem quyển tạp chí truyền hình HTV, trong đó có bài viết về Lành và Tuấn. Hai nhà báo đã đến tận nhà yêu cầu chị Lành phải đưa cho đủ số tiền 18 triệu đồng (do chị Lành và anh Tuấn đồng ý “cưa đôi” mỗi người phải trả chín triệu đồng). Mãi đến khi chúng tôi phân tích, chứng minh thấu đáo, bà Thèm mới gọi chị Lành từ bên trong nhà bước ra. Gương mặt đầy nét hoài nghi, chị Lành nói: “Nghe nhà báo đến, tưởng đến viết báo ăn tiền nên em sợ không dám ra…”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lành cho biết, sau khi trúng số được khoảng 1,5 tháng, trong lần đi bán vé số ở Bến Lức thì được Lữ Nguyễn và Bùi Ngọc Đạt xưng là ở báo Lao Động và HTV đến tìm hiểu để viết bài về “người tốt, việc tốt”. Sau một hồi trò chuyện, hai nhà báo hứa sẽ cho đăng hình ở trang nhất của tạp chí số Xuân 2012 và sau đó đề nghị anh Tuấn và chị ký “hợp đồng” hỗ trợ số tiền 18 triệu đồng để làm từ thiện. Tuy nhiên ngay ngày hôm sau, được nhiều người phân tích, anh Tuấn và chị Lành điện thoại, đề nghị không thực hiện hợp đồng thì được cho biết “đã triển khai rồi, không thể dừng lại được”.
Khi tạp chí phát hành, do chị Lành bận về quê cất nhà nên ngày 14/1, Lữ Nguyễn và Bùi Ngọc Đạt đã xuống tận Long Hữu nhờ công an xã dẫn đến nhà. Tuy có phản ứng cách làm của Lữ Nguyễn, nhưng do ngại va chạm với “nhà báo” và sợ mắc cỡ với chòm xóm nên cuối cùng gia đình chị Lành im lặng trao chín triệu đồng trong sự tức giận.
Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng công an xã Long Khánh A, Tiêu Ngọc Toại, người trực tiếp dẫn Lữ Nguyễn và Bùi Ngọc Đạt cho biết: “Ngày 14/1, khi đến liên hệ với chúng tôi, Lữ Nguyễn xưng là PV báo Lao Động (trên danh thiếp, cùng tên Lữ Nguyễn, nhưng một mặt ghi là PV báo Lao Động, một mặt ghi là PV tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam) và Bùi Ngọc Đạt (tạp chí HTV) có nhờ dẫn đến nhà chị Lành để tặng báo, tạp chí gì đó. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo xã, chúng tôi đưa hai nhà báo đến nhà chị Lành, do cơ quan có công việc nên sau đó chúng tôi xin ra về. Từ đó đến nay, chúng tôi chưa một lần nhận được phản hồi gì từ phía chị Lành”.
TÙNG HƯƠNG

GS Nguyễn Minh Thuyết: Vụ Tiên Lãng và bài học lòng dân


"Chúng ta đã có bài học về lòng dân từ Thái Bình năm 1997 rồi, nhưng lâu nay có lẽ đã quên, mà quên lần này là hỏng hẳn" - nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận định.
Những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, dư luận xôn xao, bất bình về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng. Ông có suy nghĩ gì về sự việc này?
Gần một tháng qua, đã có nhiều ý kiến của rất nhiều nhà báo, nhân sĩ, chuyên gia, cựu lãnh đạo, trong đó có ý kiến của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH; GS Đặng Hùng Võ,  nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường... phân tích rất đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về vụ việc.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng trong vụ việc này, chính quyền từ huyện đến xã đều sai, khiến cho người dân bị đẩy đến đường cùng phải chống người thi hành công vụ. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải sáng nay,  nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh còn nhấn mạnh: "Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân."
Chuyên gia về đất đai, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, và nhiều luật sư đã phân tích rất rõ những sai phạm của chính quyền trong việc diễn giải và áp dụng Luật Đất đai, cũng như trong công tác tổ chức cưỡng chế.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đưa ra những lời nhận định đáng suy ngẫm về tác động xấu của vụ việc tới tình hình an ninh chính trị xã hội của đất nước, coi đây là bài học đắt giá về công tác lãnh đạo.
Gần đây nhất có một bài viết hết sức công phu và thuyết phục của GS Hoàng Xuân Phú, công tác ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông phân tích hành vi của cơ quan công quyền trong vụ việc này là hoàn toàn sai trái, không thể gọi là thi hành công vụ một cách chính danh.
Tất cả các ý kiến phát biểu và bài viết nói trên đều đã nói rất đầy đủ những điều cần nói.
Tôi chỉ muốn nói thêm rằng bên cạnh hành vi thu hồi đất trái pháp luật, chính quyền huyện Tiên Lãng còn bội tín với dân, thể hiện qua việc lập biên bản hoà giải tại toà án đồng ý cho dân tiếp tục thuê đất để dân rút đơn kiện, rồi bất ngờ đem lực lượng đến cưỡng chế. Đây có thể coi là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, không thể chấp nhận được, làm mất đi tính chính danh của chính quyền.
Hơn nữa, việc tổ chức lực lượng cưỡng chế hàng trăm người, dồn ép dân, hủy hoại tài sản của dân ngay trước Tết Nguyên đán là hành động trái đạo lý, vô nhân đạo và vi phạm trắng trợn pháp luật của những người có chức vụ ở Tiên Lãng cũng như TP Hải Phòng.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Lê Anh Dũng
Qua toàn bộ sự vụ, những phát ngôn mập mờ, bất nhất và vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm, có thể thấy đằng sau vụ việc này có dấu hiệu tư lợi.
Điều tôi băn khoăn hơn cả là các ban ngành, từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quá chậm. Vụ việc đã xảy ra cả tháng, ngoài Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đoàn giám sát về trước Tết, đến nay mới thấy Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ bắt đầu vào cuộc.
Các ĐBQH ở đâu trong vụ Tiên Lãng?
LS Lê Đức Tiết, thành viên đoàn giám sát của UB Mặt trận tổ quốc về Tiên Lãng có bày tỏ trăn trở vì sao một sự việc mà có hai cách nhìn nhận sự việc hoàn toàn đối lập nhau gay gắt giữa cán bộ Đảng, chính quyền, cán bộ Mặt trận xã, huyện, của cán bộ chính quyền tỉnh với nhân dân dịa phương. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng như vậy?
Cũng phải hỏi thêm rằng tại sao không chỉ có nhân dân Tiên Lãng mà báo chí và các chuyên gia, các cựu lãnh đạo cũng đứng về một phía khi nhận định về vấn đề Tiên Lãng. Vì sao lại thế?
Và tại sao trong toàn bộ sự việc không hề thấy bóng dáng các đại diện của nhân dân ở đâu. Ngoài đại diện của Hội nghề cá, thì các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đang ở đâu?
Trước một việc nghiêm trọng như vậy, vì sao không thấy nói Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã cử người về giám sát? Riêng các đại biểu được người dân Tiên Lãng bầu ra, chẳng lẽ họ phải đợi chính quyền phân công thì mới về gặp dân sao?
Thông thường mỗi người dân nước ta đều có đến 7 - 8 đại diện từ các hội đoàn, tổ chức... thế mà suốt tháng nay không thấy một đại diện nào của người dân huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng lên tiếng, ngoài các vị đóng cả vai hành pháp, lên tiếng đòi xử lý dân về hành động chống người thi hành công vụ hoặc đổ lỗi cho dân. Vậy trách nhiệm của người đại diện nhân dân ở đâu?
Không chỉ LS Lê Đức Tiết băn khoăn về 'hố ngăn cách' giữa dân và chính quyền, mà từ lâu cơ chế làm việc của ta đã thể hiện nhiều bất cập.
Báo chí cũng chỉ ra những mối quan hệ mật thiết có dấu hiệu cấu kết phe cánh, tư lợi như anh em ruột chủ tịch huyện Tiên Lãng, chủ tịch xã Vinh Quang; tên tuổi của những người sẽ được giao đầm tôm sau khi thu hồi và quan hệ của họ với những người trong chính quyền.
Tệ hơn, đã có những thông tin về các tay anh chị giang hồ xuất hiện trong vụ cưỡng chế. Tại sao chính quyền lại có thể sử dụng hoặc "phối hợp" với giang hồ trong vụ cưỡng chế.
Chẳng lẽ đã đến mức chính quyền "đi đêm" với những lực lượng như thế trong việc trấn áp dân?
Dân không phải là địch
Theo ông, nên nhìn sự kiện Tiên Lãng như một hiện tượng cá biệt hay là một dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ bất ổn như nhận định của LS Lê Đức Tiết rằng, Tiên Lãng là lời cảnh báo cho những "cơn sóng ngầm trong lòng dân"?
Thật ra những mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với nhân dân xung quanh chuyện thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng không phải xảy ra lần đầu. Nếu chỉ có một vài vụ thì có thể nói đó là sai sót của một vài địa phương. Nhưng khi một hiện tượng xảy ra phổ biến, chiếm tới 80% các vụ khiếu kiện thì có thể nói là cái sai của chính sách.
Không được giải quyết hợp lý hợp tình, đất đai sẽ là ngòi nổ của những vụ gây mất ổn định xã hội.
Vụ cưỡng chế đầm nuôi tôm ở Tiên Lãng là một vụ đỉnh điểm để chúng ta nhìn lại nhiều vấn đề: 1, lòng dân; 2, chính sách đất đai; 3, việc thực hiện quyền dân chủ; 4, trách nhiệm "công bộc" của Nhà nước trước dân.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, theo tôi, việc đầu tiên phải quán triệt một vấn đề tưởng hiển nhiên, nhưng đang bị nhiều lãnh đạo nhầm lẫn: DÂN KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊCH.
Đối xử với dân, tức là những người chủ của đất nước, phải thực sự "kính trọng và lễ phép", "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh"  như lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng ta đã có bài học về lòng dân từ Thái Bình năm 1997 rồi, nhưng lâu nay có lẽ đã quên, mà quên lần này là hỏng hẳn.
GĐ Công an Hải Phòng, Đỗ Hữu Ca cho rằng việc huy động hàng trăm chiến sĩ lực lượng vũ trang xuống cưỡng chế đầm là một việc làm bình thường, nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo, cựu tướng lĩnh quân đội lại cho rằng đó là việc làm tùy tiện. Ý kiến của ông?
Tôi không biết TP Hải Phòng đã chỉ đạo như thế nào. Nhưng từ ý kiến của ông GĐ Công an Hải Phòng đến các ý kiến khác của lãnh đạo của Hải Phòng và Tiên Lãng, tôi thấy nổi lên một điều: nhiều lãnh đạo ở Hải Phòng không phân biệt nổi mâu thuẫn ta - địch với mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Công dân Đoàn Văn Vươn là người lao động chân chính và có công. Nếu Hải Phòng muốn thu hồi đất, nếu đúng pháp luật, thì có nhiều cách làm một cách đàng hoàng chính danh.
Nhưng nhà chức trách ở Hải Phòng lại tổ chức tấn công ông Đoàn Văn Vươn không khác gì một kẻ địch thì sai quá, sai hoàn toàn về nguyên tắc.
Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng "vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng", tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP.
Ông Ca dùng các cụm từ "rất là hay", "rất là đẹp" nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào.
Tôi chỉ nhớ nhà thơ Việt Phương từng kể một mẩu chuyện về Bác Hồ mà ông đề cập đến trong bàiMuôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương. Có lần Bác Hồ đã gạch bỏ cụm từ "trận đánh đẹp" trong một văn bản trình lên Bác. Bác nói một trận chiến làm chết nhiều người, dù người ở phía nào chăng nữa, đều không thể gọi là một trận đánh đẹp.
Đấy là đánh nhau với địch, còn đây là quan hệ với dân. Ông Ca còn bảo định viết thành giáo trình nghiệp vụ, thì tôi không hiểu giáo trình ấy viết ra để dạy ai?
Phải thừa nhận quyền sở hữu đất đai của dânNhiều ý kiến cho rằng, vụ việc Tiên Lãng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về hiện trạng bất cập của Luật Đất đai hiện hành, tạo ra những kẽ hở để chính quyền địa phương tùy tiện diễn dịch luật theo ý muốn chủ quan của mình, gây nên mâu thuẫn tích tụ với người dân, có nguy cơ bùng nổ bất kỳ lúc nào. Từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, ông thấy Quốc hội đã nhìn nhận vấn đề này ra sao?Tôi tham gia 2 khóa Quốc hội. Khóa 11 chính là nhiệm kỳ thông qua Luật Đất đai. Đã có nhiều đại biểu đưa ra những ý kiến rất thẳng thắn về vấn đề sở hữu đất đai. Bản thân tôi từng phát biểu, đề nghị Quốc hội thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, ít nhất là theo hạn điền, nhưng đã không được chấp nhận.Nhìn lại quá khứ, có lúc chúng ta đã xếp những người giàu có, sở hữu nhiều đất đai, nhà xưởng, thuê công nhân làm việc vào loại thành phần "bóc lột" và ép họ đưa tài sản vào công tư hợp doanh.Đến thời kỳ Đổi Mới, ta thấy đó là sai lầm. Chính những người chủ tư sản ấy đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng làm ra của cải xã hội, tạo nên sự phồn vinh của xã hội. Bây giờ ta lại phải khuyến khích những thành phần ấy phát triển. Tốt nhất là không đề ra chính sách sai. Nhưng sai thì phải sửa.
Chính những bất cập về chính sách đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai đang tạo khe hở cho một bộ phận cán bộ có chức có quyền làm dụng chức vụ kiếm lợi, đẩy người dân vào cảnh khốn khó. Nhưng ta lại chưa kịp thời trừng trị những cán bộ như thế để bảo vệ dân. Đừng để đến một lúc nào đó bức xúc vỡ tung ra, giống như vụ Tiên Lãng thì trở tay không kịp.
Có đồng chí lãnh đạo từng nói nếu cứ kỷ luật hết thì lấy ai làm việc, nhưng hiện giờ rất nhiều người có tâm có tài còn đang chưa được sử dụng đúng vị trí, thậm chí nhiều người còn đang chưa có việc làm. Phải sàng lọc liên tục thì mới chọn ra được người tốt, người giỏi. Còn cứ chạy vào được vị trí nào rồi bám chặt vị trí ấy cho đến lúc ... già thì đất nước làm sao chọn được nhân tài mà tiến lên?
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai mới trước năm 2013. Căn nguyên của bất cập luật đất đai, theo nhiều nhà làm luật là quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân". Chính quy định mập mờ này đã tạo ra những khe hở pháp lý, dẫn đến tình trạng "đất dân, quyền quan", chính quyền địa phương muốn thu hồi đất của dân lúc nào cũng được. Nhưng liệu chúng ta đã có đủ ý chí chính trị, và thời điểm đã chín muồi để luật công nhận một cách chính thức quyền sở hữu đất đai của người dân?
Luật pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng 'toàn dân' là ai, rất chung chung. Cuối cùng từ toàn dân lại thành của riêng một vài người.
Khi thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp, giá đền bù gần như lấy không, chỉ mấy hôm sau giá đất ấy đã lên hàng trăm lần. Mọi thiệt thòi đều do dân gánh chịu.
Chuyện này đã kéo dài quá lâu rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thực sự hợp lý cho chính sách đất đai. Nếu bây giờ không có sự đổi mới tư duy, ta sẽ mãi không giải quyết được vấn đề.
Ta nên đặt câu hỏi, tại sao nhiều nước khác thừa nhận quyền sở hữu đất đai nhưng họ không lo mất đất, mất quyền làm chủ hay mất nhân dân. Họ thừa nhận được, tại sao mình lại không?
Tôi nghĩ đây chính là lúc chúng ta nên bàn thảo nghiêm túc, nghiên cứu những giải pháp đền bù hợp lý cho đất đai, và thừa nhận quyền sở hữu đất đai của dân.

Thứ Tư, tháng 2 1

Hồn Việt

Hỡi các anh hùng- anh Vươn, anh Quý
Tiếng súng các anh- tiếng của nghìn năm lịch sử
Nã vào hôm nay- cái dị thời thổ tả:
Sâu mọt, bạo quyền, cướp đoạt lên ngôi!

Thương quá đi thôi- đất nước Việt của tôi
Dải chữ S đang oằn mình, rạn vỡ
Giặc ngoài, thù trong đang hoành hành khắp chốn
Oan khuất, đói nghèo, hiểm họa nơi nơi...

Hỡi những con người tội nghiệp của ta ơi
Vượt sợ hãi- gương anh Vươn, anh Quý
Thét lên, xuống đường giành tự do, công lý
Vạch mặt cường quyền, xảo trá, bất công...

Vì dân tộc, giống nòi, vì con cháu mai sau
Quyết không dung tha lũ bất nhân, bất nghĩa!

Biến cố Tiên Lãng: Thế tiến thoái lưỡng nan của đảng cầm quyền



Trần An Lộc (danlambao) - Đứng về phía người dân ư? Thì phải gồng mình đối phó với những thế lực giăng mắc như thiên la địa võng trên cả nước. Phải lóc da xẻ thịt chính mình vì những con sâu tham nhũng cỡ bự nhất lại nắm những vai trò then chốt nhất trong đảng... Đứng về phía cường quyền T/P Hải Phòng và đám đàn em Tiên Lãng ư? Thì đám cháy sẽ lan ra cả nước. Đảng cộng sản sẽ mất hết uy tín và sẽ mất quyền lãnh đạo. Toàn dân sẽ đứng lên đòi lại quyền làm người và một chế độ dân chủ đa nguyên sẽ thành hình...

Nguồn tin từ trang mạng của đài BBC hôm 31/01/2012, dưới tiêu đề: “Hai Bộ sẽ thanh tra vụ Tiên Lãng” cho biết: “Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ gửi các phái đoàn thanh tra xuống tìm hiểu về vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng ngay khi vừa ra Tết”

Đọc đoạn tin trên, người ta tự hỏi: tại sao vụ cưỡng chiếm đất đai trái phép của nhà cầm quyển huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang đã rõ ràng như ban ngày, sau biết bao lời tố cáo chí công vô tư của công luận, của những nhân vật uy tín hàng đầu và của cả MTTQ trung ương, mà vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ? 

Tệ hại hơn, cổng điện tử huyện Tiên Lãng vẫn vênh vang coi trời bằng vung! Chẳng những không phục thiện mà còn ngược ngạo cho rằng (trích): “Bản chất sự việc cũng khá đơn giản, nhưng lợi dụng việc này, một số kẻ xấu đã thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, nhà nước, truyền thống đoàn kết của nhân dân Tiên Lãng” và rằng: “chúng tôi xin khẳng định lại rằng, việc cưỡng chế với ông Đoàn Văn Vươn hoàn toàn thấu tình đạt lý, việc chống lại cơ quan chức năng bằng các hành vi manh động sẽ chịu sự trừng phạt thích đáng của PL. Cũng mong rằng, qua sự việc này, những trường hợp tương tự cần rút kinh nghiệm cho bản thân, cần nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối mang đậm tính chất nhân văn của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật XHCN”

Đây là câu hỏi cần được làm sáng tỏ, vì nó là một mấu chốt của vấn đề. 

Như mọi người đều biết, thành phố Hải Phòng là một thành phố chiến lược, thuộc loại lớn nhất - giàu có, phồn thịnh nhất và quan trọng nhất của đất nước. Có lẽ nó chỉ đứng sau Hà Nội và Sài Gòn. Chính vì vị thế quan trọng thuộc hàng nhất nước ấy, mà thế lực của các ông kẹ của thành phố này cũng trời nghiêng đất ngửa, khiến cả trung ương cũng phải kiêng nể. Việc “Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ gửi các phái đoàn thanh tra xuống tìm hiểu về vụ cưỡng chế” thực ra chỉ là một biện pháp câu giờ để các ông kẹ có thể bàn bạc tìm kế sách đối phó, mặc cả, cò kè bớt một thêm hai, trước khi ngã giá và đưa ra một bản án bỏ túi cho một ông quan tòa nào đó khệnh khạng đọc trước tòa... rồi hỉ hả vỗ tay với nhau, tự khen về “đường lối mang đậm tính chất nhân văn của đảng, sự nghiêm minh của pháp luật XHCN”! 

Trong biện pháp câu giờ và tìm đường cứu đảng, người ta chắc không quên những tuyên bố của cựu trùm chủ tịch nước Lê Đức Anh khẳng định hành vi cưỡng chiếm đất tại Tiên Lãng là hoàn toàn sai... ở địa phương. Thế còn cựu tổng bí thư Đỗ Mười, tại sao đến nay vẫn nín khe? Chả lẽ trong nước có hai ông mà nhà báo Ngô Nhân Dụng đã mô tả là: “cố vấn tối cao” “vẫn còn ngồi phía sau sân khấu điều khiển đám lãnh tụ đương quyền, là Đỗ Mười và Lê Ðức Anh. Bình thường các ông già đang chuẩn bị ngày tang lễ này không bao giờ bàn đến công việc trị dân của đám đàn em. Nhưng tuần này một người đã phá lệ”

Phải, người phá lệ đó là Thái thượng hoàng Lê Đức Anh. Thế còn Thái thượng hoàng Đỗ Mười, sao vẫn nín khe thế hè? 

Việc im lặng của ông Đỗ Mười, khiến người ta thấy ít nhất những ông kẹ Hải Phòng và những tên cắc ké như Hiền, Liêm ở huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang vẫn còn chỗ dựa, vẫn có cái ô dù đáng nể. Với cái ô dù cỡ này, thì dù đã có sự bật đèn xanh của cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, dù công luận đã gay gắt lên án sự lộng quyền của đám tham quan, cường hào ác bá ở Hải phòng, Tiên Lãng, Vinh Quang, ông Nguyễn Tấn Dũng - với cương vị thủ tướng chính phủ - lẽ ra phải làm một cú ngoạn mục để lấy điểm, gỡ lại uy tín vụ chìm tàu Vinashin, trấn an quần chúng trong cơn khủng hoảng kinh tế, đồng bạc bị mất giá... thì cũng đã mắt la mày lét, chơi nước bài câu giờ. 

Đây cũng là câu trả lời cho những thắc mắc là tại sao các đồng chí tép riu cấp huyện, cấp xã như những tên Hiền, Liêm mà lại dám cả gan coi cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh chẳng là cái đinh gì! Rõ ràng rừng nào cọp nấy! Con cọp rừng cao su Lộc Ninh thì cũng chỉ là con miu dưới mắt những chú chồn trong khu rừng Hải Phòng nhung nhúc những đàn sâu, chứ chẳng hơn gì! 

Của đáng tội, càng nhìn sâu vào vấn đề, người ta càng thấy cái thế tiến thoái lưỡng nan của đảng cộng sản. 

Đứng về phía người dân ư? Thì phải gồng mình đối phó với những thế lực giăng mắc như thiên la địa võng trên cả nước. Phải lóc da xẻ thịt chính mình vì những con sâu tham nhũng cỡ bự nhất lại nắm những vai trò then chốt nhất trong đảng. Những thế lực này nắm hầu bao kinh tế, chính trị và cả công an quân đội nữa. Thực tế mà nói, không một cá nhân nào hiện nay có đủ mình đồng da sắt để dám cả gan đụng vào cả một hệ thống quyền lực, xã hội đen, xã hội đỏ, chằng chịt như thiên la địa võng như vậy. 

Đứng về phía cường quyền T/P Hải Phòng và đám đàn em Tiên Lãng ư? Thì đám cháy sẽ lan ra cả nước. Đảng cộng sản sẽ mất hết uy tín và sẽ mất quyền lãnh đạo. Toàn dân sẽ đứng lên đòi lại quyền làm người và một chế độ dân chủ đa nguyên sẽ thành hình. 

Quả là tiến thoái lưỡng nan cho đảng cộng sản. 

Để cứu nguy chính mình, đảng cộng sản chỉ còn lựa chọn duy nhất là đi theo con đường của nước láng giềng Miến Điện đang đi. 

Dân Tộc Việt Nam chắc chắn sẽ không để mất cơ hội cuối cùng này.