Thứ Sáu, tháng 1 27

Công an quấy phá chùa Hòa Hảo, tu sĩ dọa tự thiêu


Công an xông vào ngăn cản một buổi lễ Phật Giáo Hòa Hảo, cấm treo cờ Hòa Hảo, cấm treo chân dung Ðức Huỳnh Phú Sổ, khiến cho người tu sĩ leo lên cây dọa tự thiêu và làm cho ngoại giao đoàn Mỹ quan tâm đặc biệt, theo tiết lộ của một loạt công điện năm 2001 và nhắc lại trong nhiều năm sau đó.
Ngôi chùa Hòa Hảo bị công an đột nhập tọa lạc tại Chợ Mới, An Giang, và người dọa tự thiêu là tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm. Bức công điện không nêu, nhưng ngôi chùa này mang tên Quang Minh Tự. “Nhiều chục tín đồ Hòa Hảo đến đây thờ phượng hàng ngày,” công điện ngày 8 tháng 11 viết. Công điện này được gởi từ Hà Nội về Washington D.C., và cũng được gởi thêm cho tòa đại sứ Mỹ tại Geneva, Thụy Sĩ, nơi có trụ sở nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc.
Ngày 6 tháng 11, 2001, tin tức từ một tổ chức Hòa Hảo tại Mỹ cho biết tu sĩ tại đây đang hăm dọa tự thiêu, và viên tham tán chính trị tòa đại sứ bèn điện thoại khắp nơi để tìm hiểu. Họ liên lạc được với hai cư sĩ Hòa Hảo từng bị chính quyền bắt giữ, là cụ Lê Quang Liêm và cụ Trần Hữu Duyên. Hai cụ cho tòa đại sứ và tòa tổng lãnh sự biết chi tiết.

Bị cấm treo cờ Hòa Hảo, chân dung Huỳnh Giáo Chủ

Ngôi chùa Quang Minh Tự cũng là nhà ở của ông Võ Văn Thanh Liêm, được gọi là Năm Liêm. “Vào ngày 1 tháng 11, Năm Liêm tổ chức một buổi tụng kinh trong nhà. Khác với những lần trước, lần này ông trưng cờ Hòa Hảo và treo chân dung vị sáng lập Hòa Hảo trong chùa.”
Tuy là lễ trong chùa, nhưng ngay lập tức công an bên ngoài biết. “Công an tới chùa ra lệnh cho Năm Liêm tháo cờ và hình.” Ông từ chối. Công an ra lệnh cho mọi người phải giải tán về nhà.
Buổi chiều, công an trở lại, đột nhập vào chùa với mục đích tháo cờ, tháo hình. Tu sĩ Năm Liêm không buông tay để yên cho công an tung hoành. Bản công điện viết:
“Trong lúc công an ở trong chùa, Năm Liêm khóa cửa chùa, nhốt họ bên trong. Phá cửa nhiều lần không nổi, công an phải bắn vỡ khóa mới ra ngoài được.”
Trong nhiều ngày sau đó, công an đứng canh bên trong chùa và không cho ai vô. Tranh cãi với công an không được, tới ngày 6 tháng 11, tu sĩ Năm Liêm leo lên cây sau chùa, “mang theo một can xăng 5 lít và một con dao, dọa sẽ tự vẫn nếu công an không bỏ đi”. Tin tức cho biết ông đã cầm dao cắt đùi mình.
Tới lúc viết công điện 8 tháng 11, ông Liêm đã ở trên cây 3 ngày và công an vẫn vây ở dưới. Ðiều này khiến cho người Mỹ hơi yên tâm là “một dấu hiệu khả quan cho thấy hai bên đều không có hành động gì hấp tấp”.
Tới chiều sau đó, tu sĩ Năm Liêm chịu leo xuống, theo công điện 9 tháng 11. Ông Liêm vẫn ở tại chùa, và 30 công an cùng 50-70 viên chức địa phương cũng lởn vởn trong khu đất đó.
Một tuần sau, trong công điện đề ngày 16 tháng 11, tòa tổng lãnh sự tại TP. HCM cho biết thêm là tu sĩ Năm Liêm vẫn còn ở trong chùa, được cha mẹ chăm sóc, cùng một số tín đồ Hòa Hảo mà được công an cho phép vô trong. Cụ Trần Hữu Duyên cho rằng lúc tu sĩ Năm Liêm leo lên cây là lúc chính quyền địa phương đưa giấy quản thúc hành chánh về tội nhốt công an trong chùa.

Người tu sĩ nhiều lần bị tù

Ông Năm Liêm không xa lạ với đoàn ngoại giao Mỹ. Năm 1996, ông dựng cổng trên lối đi vô chùa, rồi bị chính quyền địa phương bắt tháo gỡ vì xây không có giấy phép. Ông từ chối, rồi khi công an tới bắt thì ông leo lên cây, “cũng cái cây đó,” công điện ngày 8 tháng 11 cho biết.
Lần đó, ông ngồi trên cây trong 4 ngày. “Nhân chứng khi đó nói phải huy động hàng trăm công an để ngăn chặn hàng ngàn người hiếu kỳ không vào khu vực này.”
Khi ông leo xuống thì bị tuyên án tù 2 năm với tội danh “ngăn cản người thừa hành công vụ”. Năm 1999, tham tán chính trị tòa đại sứ Mỹ có ghé thăm ông Liêm trong nửa ngày. Ông được miêu tả là “rất tin vào tâm linh và nói chuyện vô cùng hấp dẫn”. Ông cho viên tham tán xem vết thẹo trên đầu gối, và nói, trong tù ông tự cắn đầu gối để chứng minh với cán bộ là ông không sợ đau đớn.
Chính quyền địa phương có vẻ sợ ảnh hưởng của tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm. Năm sau, 2002, khi viên tham tán chính trị trở lại An Giang thăm ông Liêm, thì viên chức địa phương vây quanh chùa không cho vô trong. Một bức công điện đề ngày 19 tháng 7, 2002 miêu tả quang cảnh:
“Khi tham tán chính trị tới đường lót gạch dẫn tới chùa của Năm Liêm hôm 24 tháng 6, ba người thanh niên đứng ra chặn đường. Nhiều người khác, dường như trong cùng nhóm, đứng trên bãi cỏ quán trà bên cạnh. Một trong những thanh niên này vùng vằng nói tham tán chính trị đi chỗ khác. Anh này nói người dân địa phương không muốn tiếp người Mỹ và ‘không muốn người Mỹ quấy phá tu sĩ trong chùa.’”
Khi viên tham tán chính trị bảo ông đã tới thăm và được đón tiếp niềm nở 3 năm trước, còn nếu chính quyền địa phương cấm không cho vào, hay quản thúc ông Năm Liêm tại gia, thì ông sẵn sàng đi chỗ khác.
Lúc đó, “người thanh niên này nổi giận và bắt đầu chửi tục, chối không phải công an và nói vị tu sĩ không bị giới hạn gì cả. Anh la lên rằng anh đại diện cho cộng đồng và cộng đồng không muốn người Mỹ tới gần đây.”
Nhiều người khác cũng bắt đầu bu quanh. Viên tham tán nhận ra nhiều tín đồ Hòa Hảo vì tóc búi tó và mặc đồ nâu hay xám. Những tín đồ này “đứng nghe chăm chú, rồi một vài người trong số họ bắt đầu cãi nhau với những thanh niên đứng chặn đường”.
Ngại có xô xát xảy ra, viên tham tán bỏ đi. Sáu tiếng sau quành lại, “cũng nhóm thanh niên này vẫn còn chờ ở đó”.
Tới năm 2005, ông Liêm lại bị bắt. Khi Dân Biểu Christopher Smith tới Việt Nam, gặp cụ Trần Hữu Duyên, cụ cho biết khi tu sĩ Năm Liêm tưới xăng vào một viên chức chính quyền địa phương thì ông bị bắt và bị tuyên án 6 năm rưỡi tù.

1 nhận xét:

  1. Wikileaks là một cơ sở bất vụ lợi có mục đích đòi hỏi chính quyền phải minh bạch, bằng cách công bố các tài liệu mật do các nguồn nặc danh cung cấp. Wikileaks bắt đầu nổi tiếng với những tiết lộ bí mật về chiến tranh Iraq, kể cả một đoạn phim trong đó lính Mỹ tưởng phóng viên Reuters mang vũ khí và nã súng bắn họ.

    Nhưng phải tới tháng 10 năm 2010, Wikileaks mới thật sự nổi tiếng và ai cũng biết tên. Ðó là lúc Wikileaks loan tin lấy được 260,000 công điện ngoại giao của Hoa Kỳ và tuyên bố sẽ bắt đầu công bố những công điện này.

    Ðây là những công điện do các tòa đại sứ, lãnh sự của Mỹ từ khắp nơi gởi về Bộ Ngoại Giao.

    Ðây là những tài liệu được đặt trong một mạng lưới tài liệu mật của quân đội Mỹ, gọi là “SIPRnet.” Sau vụ khủng bố 11 tháng 9, chính phủ Tổng Thống George W. Bush ra lệnh cho các cơ quan quân đội, ngoại giao, tình báo phải chia sẻ tài liệu mật cho nhau, mục đích là để các cơ quan chính quyền có đầy đủ thông tin chống khủng bố.

    Tuy nhiên, một tác dụng ngược của nó là khiến hàng ngàn quân nhân bỗng có thể đọc được công điện mật của ngành ngoại giao.

    Một trong hàng ngàn quân nhân đó là Trung sĩ Bradley Manning, sau này bị giáng lon xuống binh nhì. Ông Manning tải toàn bộ công điện mật của bộ Ngoại Giao về máy mình, rồi chuyển qua cho Wikileaks.

    Số tài liệu bị lộ gồm 251,287 công điện. Ban đầu, qua thỏa thuận với bốn tờ báo lớn của thế giới, tờ El País (Tây Ban Nha), Der Spiegel (Ðức), Le Monde (Pháp), The Guardian (Anh) và The New York Times (Mỹ), Wikileaks và những tờ báo này công bố công điện từ từ, theo từng đợt, và sau khi xóa bớt tên những người cần được bảo vệ.

    Tuy nhiên, sau khi bị lộ mật mã cho tài liệu này, Wikileaks vào ngày 1 tháng 9 quyết định công bố tất cả, không bôi xóa gì hết.

    Tài liệu liên quan tới Việt Nam trong Wikileaks lên tới hơn 5,000 công điện

    Trả lờiXóa